Từng có thời gian dài, ca khúc “Kiếp đỏ đen” của Duy Mạnh bị dính nghi án đạo nhạc Campuchia. Đáp trả nghi vấn này, Duy Mạnh hứa sẽ tặng 5 tỷ cho ai chứng minh được anh… ăn cắp. Mới đây, trước tin đồn ca khúc “Hãy về đây bên anh” cũng là “hàng lởm”, Duy Mạnh tuyên bố sẽ tăng phần thưởng lên 10 tỷ cho người có bằng chứng xác đáng.Tôi có ăn cắp đâu mà không tự tin
- Sau khi nghi án anh đạo nhạc bài “Kiếp đỏ đen” vừa tạm lắng, gần đây anh lại bị cư dân mạng kết tội đã đạo nhạc bài “Hãy về đây bên anh”. Thực tế là, hai bản nhạc một của anh, một của nữ ca sĩ người Campuchia hoàn toàn giống nhau. Anh giải thích sao về việc này?Trước khi có cuộc phỏng vấn này, tôi cũng đã nghe từ bạn bè về việc có ca khúc
Hãy về đây bên anh tiếng Campuchia, và họ cũng gửi đường link cho tôi. Tôi chẳng hề ngạc nhiên hay lo lắng về việc mình bị kết tội đạo nhạc, bởi ca khúc
Hãy về đây bên anh của tôi trước đó từng được dịch sang tiếng Hoa rồi tiếng Thái, giờ thêm tiếng Campuchia, thậm chí còn có một ông Tây hát “Người yêu ơi có biết anh nhớ em nhiều lắm”… xem ra vui đấy chứ.
- Nhưng có hẳn là ngẫu nhiên không, khi mà hai lần anh bị nghi án đạo nhạc, xuất xứ ca khúc đều từ thị trường âm nhạc Campuchia mà ra?Trước đây khi ca khúc Kiếp đỏ đen của tôi bị nghi án đạo nhạc, tôi từng hứa nếu ai phát hiện được tôi đạo nhạc, tôi sẽ tặng 5 tỷ đồng và làm giúp việc không công suốt đời cho họ. Còn bây giờ, ai chứng minh được tôi đạo nhạc, tôi sẽ tặng thêm 5 tỷ đồng nữa vị chi là 10 tỷ đồng. Tôi cũng chẳng cần giải thích nhiều làm gì cho mệt, vì cái gì của tôi sẽ là của tôi, chẳng ai gán ghép tôi ăn cắp được.
- Một lần có thể xem như đó là sự cố, nhưng hai lần thì xem ra khó thuyết phục dư luận. Anh có bằng chứng gì để chứng minh ca khúc đó do anh sáng tác?Tôi viết ca khúc từ năm 2002, phát hành năm 2004, bài hát này cũng chính do nhạc sĩ Hoài Sa hòa âm phối khí. Đây là một bản phối rất hay và lạ mà đến tận giờ khi nghe tôi vẫn thích. Đến năm 2008, tôi đi đăng ký sở hữu trí tuệ và giấy tờ hiện vẫn còn nguyên. Nếu mọi người cần bằng chứng, tôi sẽ cho mọi người xem bản đăng ký đó. Còn nếu tôi đạo nhạc, tôi sẽ phải chịu trách nhiệm với pháp luật về những tác phẩm của mình.
- Ngoài những bằng chứng mà anh đưa ra, còn cách nào khác để minh chứng ca khúc của anh không phải đạo nhạc nước ngoài?Tốt nhất ai thắc mắc thì nên sang Campuchia hỏi, họ sẽ trả lời là họ đang hát nhạc của ai. Mà cũng lạ, từ trước tới giờ nhạc nước ngoài dịch sang tiếng việt thì được gọi là nhạc ngoại lời việt. Nhạc Việt Nam đươc dịch sang tiếng nước ngoài thì cho là người Việt mình ăn cắp, như vậy thật là vô lý. Nếu mình là người Việt mà một tác phẩm được nước ngoài cover lại như vậy, đáng ra mình phải tự hào chứ. Hơn nữa, khi tôi kiểm tra thông tin cô ca sĩ đó, thì cô ấy đâu chỉ cover riêng nhạc của tôi mà còn hát lại và quay clip những ca khúc rất nổi tiếng của nước ngoài như
Colours of the wind của Vanessa Williams…
- Anh phát hành “Hãy về đây bên anh” từ cuối năm 2004, tại sao đến tận năm 2008, anh mới đi đăng ký sở hữu trí tuệ?Nó là của tôi thì tôi thích đăng ký thời điểm nào chăng nữa vẫn là sản phẩm của tôi, thuộc quyền của tôi. Bình thường khi tôi có thời gian rảnh, tôi mới gom mấy chục bài đi đăng ký liền một lúc chứ đâu phải cứ sáng tác xong một bài là có thời gian đi đăng ký ngay.
- Tuyên bố tặng người có bằng chứng việc anh đạo nhạc tới 10 tỷ đồng, anh có nuốt lời không nếu thực tế có người như vậy?
Tôi đã nói thì tôi phải giữ chữ tín cho mình, nhất là còn tuyên bố trên báo nữa. Trước đó, tôi đã thay đổi giải thưởng 2 lần rồi, và giờ là lần thứ 3, nếu ai chứng minh được thì cứ đến gặp tôi, tôi sẽ đưa cho họ đủ 10 tỷ và xin phục vụ không công suốt đời.
- Sau mỗi lần bị kết tội đạo nhạc, giải thưởng mà anh treo lại tăng chóng mặt. Phải chăng anh đang rất tự tin và muốn chơi ngông?Đó là sản phẩm của tôi thì tôi sợ gì người ta nói mình ăn cắp mà không tự tin chứ? Từ ngày bước chân vào con đường nghệ thuật, tôi vẫn luôn lao động một cách nghiêm túc và cố gắng hết mình. Tôi có bao giờ đi ăn cắp đâu mà nói rằng tôi chơi ngông.
- Vậy nếu cô ca sĩ Campuchia đạo nhạc của anh, anh nghĩ sao về việc sẽ kiện cô ấy để đòi quyền công bằng cho mình?
Thứ nhất, cô ấy hát nhạc của tôi thì tôi phải cổ vũ, vì sản phẩm của mình có hay thì mới được người ngoại quốc hát lại. Thứ hai, phụ nữ xinh như thế thì tôi kiện làm gì.
- Nhờ hai ca khúc “Kiếp đỏ đen” và “Hãy về đây bên anh” mà tên tuổi anh mới có được như bây giờ. Nhưng khi cả hai đều cùng dính nghi án đạo nhạc, cảm giác của anh thế nào?Phải khẳng định lại là nhờ có tôi, mọi người mới biết đến hai ca khúc đó chứ không phải là nhờ hai ca khúc đó mọi người mới biết đến tôi. Mọi người cũng nên biết, tôi có ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực của bản thân tôi trong suốt thời gian dài lao động nghệ thuật nghiêm túc, cộng thêm một chút may mắn trong cuộc đời.
Ai chẳng có một thời- Từ sau thành công của album vol.1, tên tuổi cũng như âm nhạc của anh ngày càng có dấu hiệu thụt lùi và người ta nói rằng anh giờ đã hết thời. Anh nghĩ sao về điều đó?
Làm nghề này đâu phải ai muốn lên đỉnh cao là có thể được đâu. Phải nói rằng cuộc đời tôi rất may mắn nên mới nhận được những thành quả của nghề như vậy. Mỗi người đều có một thời đỉnh cao, đâu ai có thể trụ vững mãi được. Quy luật của cuộc sống tre già măng mọc vẫn luôn tiếp diễn và tôi cũng chỉ có một thời trai trẻ thôi. Tôi năm nay 35 tuổi rồi có còn trẻ nữa đâu, hết thời là đúng rồi. Tôi cũng chỉ cố gắng đi hát một hai năm nữa rồi về hưu là vừa.
- Anh sẽ làm gì khi về hưu?Tôi chỉ ở nhà để vợ tôi nuôi tôi thôi. Ngoài sáng tác, hát và biết chơi một vài nhạc cụ, tôi chẳng biết làm gì cả.
- Tại sao anh không chọn cách kinh doanh như trước đây anh đã làm, hoặc mở công ty đào tạo ca sĩ như các đồng nghiệp của anh vẫn làm bây giờ?Trước đây tôi có kinh doanh đất đai, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng con người tôi không phù hợp. Khi tôi tập trung vào kinh doanh, tôi sẽ mất thời gian rất nhiều và không có đầu óc nào để sáng tác nhạc nữa.
Khi sự nghiệp của một ca sĩ bắt đầu đi xuống, họ thường mở công ty đào tạo ca sĩ – một cách dễ kiếm tiền – nhưng tôi không làm. Niềm đam mê của tôi vẫn là sáng tác, nếu tập trung vào mở công ty, tôi sẽ bị mất nhiều cảm xúc. Một công ty có nhiều ca sĩ, nhưng may lắm thì có một người thành công. Rất nhiều gia đình giàu có muốn con mình nổi tiếng, tìm đến lớp đào tạo ca sĩ, nhưng đó không phải là một cái nghề. Nếu bạn muốn con mình có nghề nghiệp vững chắc, nên đến những trường chính quy được nhà nước công nhận như nhạc viện hay trường văn hóa. Tôi thấy một điều thú vị là khi một công ty đào tạo ra một ca sĩ nổi tiếng, mặc định ca sĩ đó phải dính chặt với bầu show của công ty đó thì mới tồn tại được. Nếu tách bầu show ra, hầu như ca sĩ đó không thể tự mình đi tiếp được, tôi nghĩ đó không phải là đào tạo mà là lăng-xê. Tôi thấy học viên của các nhạc viện hay trường văn hoá khi ra trường đều có một nghề nghiệp vững chắc. Nếu không nổi tiếng, họ vẫn có thể tiếp tục với nghề bằng công việc giảng dạy hoặc xin vào các đoàn nghệ thuật.
Theo Xzone